A. Nam-Quách Tử-Kỳ[lxxxv] ẩn kỷ nhi tọa, ngưỡng thiên nhi hư[lxxxvi], tháp yên[lxxxvii] tự táng kỳ ngẫu[lxxxviii].
Nhan-Thành Tử-Du[lxxxix] lập thị hồ tiến, viết: "Hà cư hồ? Hình cố khả sử như kháo mộc, nhi tâm cố khả sử như tử khôi hồ? Kim chi ẩn kỷ giả, phi tích chi ẩn kỷ giả dã".
Tử-Kỳ viết: "Yển, bất diệc thiện hồ, nhữ[xc] vấn chi dã. Kim giả ngô táng ngã. Nhữ tri chi hồ. Nhữ[xci] văn nhân[xcii] lại nhi vị văn địa lại, nhữ văn địa lại, nhi vị văn thiên lại phù?
Tử Du viết: Cảm vấn kỳ phương.
Tử Kỳ viết: Phù đại khối ái khí, kỳ danh vi phong. Thị duy vô tác. Tác, tắc vạn khiếu nộ ngạc, nhi độc bất văn chi liệu liệu hồ. Sơn lâm chi úy giai, đại mộc bách vi chi khiếu huyệt, tợ tị, tợ khẩu, tợ nhĩ, tợ kê, tợ quyện, tợ cựu; tợ oa giả, tợ ô giả, kích giả, hao giả, sất giả, hấp giả, kiếu giả, hạo giả, yểu giả, giao giả.
Tiền giả xướng vu,
Nhi tùy giả xướng ngu.
Lãnh phong tắc tiểu hòa,
Phiêu phong tắc đại hòa,
Lệ phong tế tắc chúng khiếu vi hư. Nhữ độc bất kiến chi điều điều chi điêu điêu hồ?
Tử Du viết: Địa lại tắc chúng khiếu thị dĩ. Nhơn lại tắc tỉ trúc thị dĩ. Cảm vấn thiên lại?
B. Tử-Kỳ viết: Phù xuy vạn bất đồng, nhi sử kỳ tự kỷ dã, hàm kỳ tự thủ, nộ giả, kỳ thùy da?
Đại trí hàn hàn.
Tiểu trí nhàn nhàn[xciii]
Đại ngôn viêm viêm,
Tiểu ngôn chiêm chiêm[xciv]
Kỳ mị dã, hồn giao.
Kỳ giác dã, hình khai.[xcv]
Dữ tiếp vi cấu,
Nhật dĩ tâm đấu,[xcvi]
Mạn[xcvii] giả, giao[xcviii] giả, mật[xcix] giả.
Tiểu khủng chủy chủy.
Đại khủng mạn mạn.[c]
Kỳ phát nhược cơ quát, kỳ tư thị phi chi vị dã. Kỳ lưu như trở minh, kì thủ thắng chi vị dã. Kỳ sát như thu đông, dĩ ngôn kỳ nhật tiêu dã; kỳ nịch chi sở vi chi, bất khả sử phục chi dã; kỳ yểm dã như giam, dĩ ngôn kỳ lão dật dã. Cận tử chi tâm, mạc sử phục dương dã. Hỉ nộ ai lạc lự thán biến nhiệt diêu dật khải thái[ci]. Nhạc xuất hư chưng thành khuẩn. Nhật dạ tương đại hồ tiền nhi mạc tri kì sở manh. Dĩ hồ! Dĩ hồ! Đản mộ đắc thử kỳ sở do dĩ sinh hồ! Phi bỉ vô ngã. Phi ngã vô sở thủ thị diệc cận hĩ. Nhi bất tri kỳ sở vi sử. Nhược hữu chân tể nhi đặc bất đắc kỳ trẫm khả hành dĩ tín nhi bất kiến kỳ hình. Hữu tình nhi vô hình. Bách hài cửu khiếu lục tạng, cai nhi tồn yên. Ngô thùy dữ vi thân? Nhữ giai thuyết chi hồ? Kỳ hữu tư yên. Như thị giai hữu vi thần thiếp hồ? Kỳ thần thiếp bất túc dĩ tương trị hồ? Kỳ đái tương vi quân thần hồ? Kỳ hữu chân quân tồn yên? Như cầu đắc kỳ tình dữ bất đắc, vô ích tổn hồ kỳ chơn. Nhất thụ kỳ thành hình, bất vong dĩ đãi tận, dữ vật tương nhẫn tương mỹ, kỳ hành tận như trì, nhi mặc chi năng chỉ. Bất diệc bi hồ? Chung thân dịch dịch nhi bất kiến kỳ thành công, niết nhiên bì dịch nhi bất tri kỳ sở quy, khả bất ai da? Nhân vị chi bất tử hề ích, kỳ hình hóa, kỳ tâm dữ chi nhiên, khả bất vị đại ai hồ? Nhân chi sinh dã, cố nhược thị mang hồ. Kỳ ngã độc mang, nhi nhân diệc hữu bất mang giả hồ? Phù tùy kỳ thành tâm nhi sư chi, thùy độc thả vô sư hồ? Hề tất tri đại, nhi tâm tự thủ giả hữu chi. Ngu giả dữ hữu yên, vị thành hồ tâm nhi hữu thị phi. Thị kim nhật thích Việt nhi tích chí dã. Thị dĩ vô hữu vi hữu. Vô hữu vi hữu, tuy hữu Thần Võ thả bất năng tri. Ngô độc thả nại hà tai!
DỊCH NGHĨA:
TỀ-VẬT-LUẬN
A. Nam Quách Tử Kỳ ngồi dựa ghế, ngửa mặt hà hơi, bơ phờ như người mất hồn.
Nhan Thành Tử Du đứng hầu trước mặt, thấy vậy, hỏi: "Sao mà hình hài có thể khiến được như cây khô, còn lòng thì có thể khiến được như tro lạnh? nay người ngồi trên ghế có còn phải là người ngồi trên ghế trước đây nữa không?"
Tử kỳ nói: "Yển! Câu hỏi của ngươi đâu phải là không đúng! ta nay đã mất bản ngã rồi, ngươi có biết chăng? Ngươi chỉ nghe tiếng sáo của người mà chưa nghe tiếng sáo của đất. Ngươi chỉ nghe tiếng sáo của đất mà chưa nghe tiếng sáo của trời."
Tử Du nói: "Dám hỏi dùng phương chi nói để cho tôi hiểu được?"
Tử Kỳ nói: "Hơi thở của đại khối, gọi là gió. Nó không nổi lên thì thôi. Nó mà nổi lên thì muôn lỗ hổng gào thét lên, riêng ngươi chẳng nghe nó ào ào đó hay sao? Mấy chỗ sâu hõm của núi rừng, những bọng của cây to trăm vòng, như mũi, như miệng, như tai, như xà, như vành, như cối, như ao sầu, như vũng cạn... khi thì rập nhau la lối, nạt nộ, gầm thét, khi lại bỏ giọng rù rì, nỉ non, than thở. Tiếng trước xướng lên, tiếng sau họa lại. Gió hiu hiu thì là tiểu hòa; gió vụt vụt thì là đại hòa. Đến khi gió lặng, thì các khiếu đều êm. Riêng ngươi không thấy cành lá còn rung động đó hay sao?"
Tử Du nói: "Tiếng sáo Đất là tiếng hòa của muôn khiếu. Tiếng sáo của người là tiếng hòa của ống trúc. Dám xin hỏi thế nào là tiếng sáo của Trời?"
*
B. Tử Kỳ nói: "Kìa như gió thổi khiến muôn tiếng không đồng nhau vang lên, nhưng mà lại khiến cho nó tự ngưng đi, hoặc tự nổi lên, là gì đấy? Biết một cách bao trùm rộng rãi, đó là hạng đại trí; biết một cách chia lìa vụn vặt, đó là hạng tiểu trí. Lời nói tổng hợp thị phi; đó là đại ngôn, lời nói chi li biện-biệt, đó là tiểu ngôn. Khi ngủ thì tinh thần giao nhau (làm một). Khi thức, thì tinh thần bị ly khai (vì chạy theo sự vật bên ngoài). Tiếp lẫn nhau, gọi là "cấu" (hợp nhau làm một); tán mạn ra, gọi là "tâm đấu" (lòng bị chia lìa chống đối nhau). Lòng phải rộng, sâu và dè dặt. Dè dặt là cái nhỏ mà phân biệt sanh, tử; dè dặt cái lớn là xem sanh tử bằng nhau. Người đời bày cuộc bắn bia mà định thị phi, bày tờ khế ước mà phân thắng bại. Lòng người mãn tranh đấu cho thị phi lần đầu hao mòn, bị giết như thu đông giết thảo mộc. Họ đắm đuối trong việc làm đó, không làm sao cho lòng họ phục nguyên lại được. Đè nén như giam nhốt, như đè nén lời nói[cii]. Cái lòng gần chết, không sao khiến nó nóng lại được.
Nhưng mà mừng giận, thương vui, phản phúc, kinh sợ, phù phiếm, phóng túng, tình dục mở rộng... đều như tiếng nhạc do chỗ hư không mà phát lên, như đám nấm trong chỗ ẩm ướt mà sanh ra. Ngày và đêm, tiếp nhau mà hiện ra trước mặt, ai biết được đầu mối nó nơi đâu? Ôi! Ôi! Một sớm một chiều, ai biết được từ đâu mà sanh ra?
Không có đó, không có đây. (Nhưng nếu) không có đây thì biết lấy đâu làm chỗ căn cứ! Lý ấy đâu có xa xôi gì! Nhưng mà không rõ ai xui như thế? Dường như có đấng Chân-tể, nhưng mà không thấy được dấu vết của Đó. Đấng ấy có tình mà không có hình. Trăm xương chín khiếu, sáu tạng, riêng biệt ra thì không thành một thân thể; nên phải có cái "hiệp" nó lại kia mới thành một thân thể được. Thần thiếp riêng biệt ra, không đủ sức trị lẫn nhau nên không thể thành một môn hộ; nên phải có cái hiệp nó lại, mới thành một môn hộ, quân thần riêng biệt ra thì không thành một quốc gia, nên phải có cái "hiệp"cả hai lại mới thành một quốc gia. Cái mà hiệp đặng làm nên một thân thể, một môn hộ, một quốc gia, "cái đó" không bớt, cũng không thêm cho thân thể, cho môn hộ, cho quốc gia, ta gọi nó là "Tình". Có kẻ nhận cái "hình" do đó gây ra, không quên cho đến ngày cùng tận của nó, rồi đâm chém nhau, hại lẫn nhau, mà không biết dừng, chẳng cũng đáng buồn sao? Có kẻ trọn đời làm mãi mà không thấy thành công, mệt mỏi mà không biết đâu là chỗ về, cũng chẳng đáng thương xót sao? Người ta bảo như thế mà không chết có ích gì không? Hình nó hóa đi, tâm nó cũng một thế, cũng chẳng đáng xót xa lắm sao?
Đời người mờ mịt, há phải riêng ta mờ mịt, còn kẻ khác không mờ mịt hay sao? Như biết lấy cái tâm đã thành của mình làm Thầy, thì ai là chẳng có Thầy? Cái tâm thành đã sẵn có, sao còn tìm cái chi nữa mà thế nó? Kẻ ngu cũng có nó. Chưa thành được mà lòng đã có chứa thị phi, thì có khác nào hôm nay sang nước Việt mà đã đến từ hôm trước rồi! Như vậy, tức là lấy cái không có làm cái có. Lấy cái không có làm cái có, thì tuy có Thần Võ cũng không biết được, riêng ta có làm thế nào được!
*
C. Phù ngôn phi xuy dã. Ngôn giả hữu ngôn[ciii], kỳ sở ngôn giả, đặc vị định dã. Quả hữu ngôn da? Kỳ vị thường hữu ngôn da? Kỳ dĩ vi dị ư khấu âm[civ], diệc hữu biện hồ? Kỳ vô biện hồ? Đạo ô hồ ẩn nhi hữu chân ngụy? Ngôn ô hồ ẩn nhi hữu thị phi[cv]? Đạo ô hồ vãng nhi bất tồn? Ngôn ô hồ tồn nhi bất khả[cvi]?
Đạo ẩn ư tiểu thành[cvii]; ngôn ẩn ư vinh hoa[cviii]. Cố hữu Nhu Mặc chi thị phi; dĩ thị kỳ sở phi, nhi phi kỳ sở thị. Dục thị kỳ sở phi, nhi phi kỳ sở thị, tắc mạc nhược dĩ minh. Vật vô phi bỉ, vật vô phi thị. Tự bỉ tắc bất kiến tự tri tắc tri chi. Cố viết: Bỉ xuất ư thị, thị diệc nhơn bỉ. Bỉ thị, phương sinh chi thuyết dã. Tuy nhiên, phương sinh phương tử, phương tử phương sinh. Phương khả phương bất khả, phương bất khả phương khả. Nhân thị nhân phi, nhân phi nhân thị.
Thị dĩ Thánh nhân bất do nhi chiếu chi vu thiên, diệc nhân thị dã. thị diệc bỉ dã. Bỉ diệc thị dã. Bỉ diệc nhất thị phi. Thử diệc nhất thị phi. Quả thả hữu bỉ thị hồ tai? Quả thả vô bỉ thị hồ tai? Bỉ thị, mặc đắc kỳ ngẫu[cix] vị chi Đạo Xu[cx]. Xu thủy đắc kỳ hoàn trung[cxi], dĩ ứng vô cùng. Thị diệc nhất vô cùng, phi diệc nhất vô cùng dã. Cố viết: Mạc nhược dĩ minh.
Dĩ chỉ dụ chỉ chi phi chỉ, bất nhược dĩ phi chỉ dụ chỉ chi phi chỉ dã. Dỉ mã dụ mã chi phi mã, bất nhược dĩ phi mã dụ mã chi phi mã dã. Thiên địa nhất chỉ dã, vạn vật nhất mã dã.
Khả hồ khả, bất khả hồ bất khả. Đạo hành chi nhi thành, vật vị chi nhi nhiên. Ô hồ nhiên? Nhiên ư nhiên. Ô hồ bất nhiên? Bất nhiên ư bất nhiên. Vật cố hữu sở nhiên, vật cố hữu sở khả. Vô vật bất nhiên, vô vật bất khả. Cố vi thị cử đình dữ dinh, lệ dữ Tây thi, khôi nguy quyệt quái, Đạo thông vi nhất.
Kỳ phân dã thành dã. Kỳ thành dã, hủy dã. Phàm vật vô thành dữ hủy, phục thông vi nhất. Duy đạt giả tri thông vi nhất. Vi thị chi bất dụng nhi ngụ chư dung. Dung dã giả, dụng dã; dụng dã giả, thông dã; thông dã giả, đắc[cxii] dã. Thích đắc nhi cơ[cxiii] hĩ. Nhân thị dĩ[cxiv]. Dĩ nhi bất tri kỳ nhiên, vị chi Đạo. Lao thần minh vi nhất nhi bất tri kỳ đồng dã, vị chi triêu tam.
Hà vị triêu tam? Viết: Thư công phú vu[cxv] viết: triêu tam nhi mộ[cxvi] tứ. Chúng thư giai nộ. Viết: nhiên tắc triêu tứ nhi mộ tam. Chúng thư giai duyệt. Danh thật vị khuy, nhi hỉ nộ vi dụng, diệc nhơn thị dã. Thị dĩ Thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ thiên quân[cxvii], thị chi vị lưỡng hành[cxviii].
DỊCH NGHĨA:
C. Lời, không phải như gió thổi: Lời phải có nói lên một cái gì. Nếu chỗ nói của nó mà chưa định, thì lời nói ấy quả đã có nói không. Hay là chưa có nói gì cả? Lời nói chưa định ấy, khác nào tiếng chim con: chưa có biết biện biệt hay không biện biệt? Đạo, sao dựa vào chân hay ngụy; lời, sao dựa vào thị hay phi? Đạo, sao qua mà không còn; lời, sao còn mà chẳng nói được? Đạo, ẩn trong tiểu thành; lời, ẩn nơi vinh hoa. Bởi vậy mới có cái phải, quấy của Nhu Mặc. Nhu Mặc thì lấy Phải làm Quấy, lấy Quấy làm Phải. (Nhưng) nếu muốn thấy được cái Phải trong cái Quấy, cái Quấy trong cái Phải, thì không có gì bằng dùng đến ánh sáng (của Đạo). Vật, không vật nào là không phải "đó", không vật nào là không phải "đây"[cxix]. Lấy chỗ nhận thấy của người mà thấy, thì không thấy; lấy chỗ biết của mình mà biết, thì mới biết. Nên mới có nói rằng: "Đó", do đây mà ra; "đây", nhân "đó" mà có. "Đó đây", ấy là thuốc của "phương sinh". Nên mới có nói Sống, nói Chết, nói Chết, nói Sống, nói được, nói không được, nói không được, nói được. Nhân có Phải, nhân có Quấy; nhân có Quấy, nhân có Phải (mà cãi nhau).
Thánh nhân thì không căn cứ vào Phải Quấy, mà căn cứ vào khiếu biết tự nhiên của mình để hiểu mọi vật. Và cũng do "đây"trước. "Đây", cũng là "Đó", mà "Đó" cũng là "Đây". "Đó" cũng có một lẽ Phải Quấy của "Đó"; mà "Đây" cũng có một cái lẽ phải quấy của "Đây". Quả có "đó đây" chăng? Quả chẳng có "đó đây" chăng? Đó và Đây mà không gặp chỗ lứa đôi (đối-đãi) của nó, thì gọi là Cốt Đạo (Đạo Xu). Cốt ấy khởi đầu nơi trung tâm của cái vòng tròn (hoàn trung), và căn cứ vào đó để mà ứng đối vô cùng (với Thị Phi). Phải, cũng là một cái lẽ vô cùng. Quấy, cũng là một cái lẽ vô cùng[cxx]. Bởi vậy mới nói: đâu bằng dùng lấy ánh sáng của Đạo.
Lấy ngón tay mà thí dụ rằng ngón tay không phải là ngón tay, sao bằng lấy cái không phải là ngón tay để mà thí dụ rằng ngón tay không phải là ngón tay.
Lấy con ngựa mà thí dụ rằng con ngựa không phải là con ngựa, sao bằng lấy cái không phải là con ngựa để mà thí dụ rằng con ngựa không phải là con ngựa. Trời Đất khác nào ngón tay nói trên. Vạn vật khác nào con ngựa nói trên.
Được là được. Không được là không được. Con đường có đi mới thành đường đi, vật có gọi được tên mới thành là vật. Sao là phải vậy? Phải vậy là vì phải vậy. Sao là không phải vậy? Không phải vậy, là vì không phải vậy. Vật, có chỗ là phải vậy. Vật, có chỗ là được vậy. Không vật nào là không phải vậy; không vật nào là không được vậy. Cho nên mới có so sánh cọng cỏ với cột trụ, một người đàn bà xấu xí với Tây Thi; khoan đại, kỳ biến, gian trá, quái dị, thảy đều là một.
Có phản "nó" ra thì "nó" mới "thành". Có "thành" thì mới có "hoại". Phàm vật mà không "thành", nên không "hoại" thì mới có thể "trở về"mà cùng thông với lẽ Một (của Đạo). Chỉ có bậc đạt Đạo mới thông hiểu được lẽ Một ấy mà thôi: Họ dùng đỡ cái dung mạo (bên ngoài) để hòa với mọi người. "Dung", tức là "dụng"; "dụng", tức là "thông". Mà "thông", tức là "đắc" vậy. Vui trong chỗ "đắc" ấy, ít ai được. Nhân tới đó mà "thôi đi". "Thôi đi", mà cũng không cần phải biết vì sao mà phải vậy, thì gọi là Đạo. Lao nhọc thần minh vì chấp nhất (trong một cái Phải hay cái Quấy nào) mà không biết trông thảy đều đồng nhau. Nên mới gọi là "sớm ba".
Sao gọi là "sớm ba"? Có lão nuôi khỉ, phát khoai cho khỉ, nói: "Sớm ba, mà chiều bốn!" Khỉ đều giận. Lão lại nói: "Thôi, sớm bốn mà chiều ba"! Khỉ đều mừng. Số cho không thay đổi, danh và thực không thiếu, vậy mà, cái dụng ý của nó lại có mừng có giận. Bởi vậy, bậc Thánh nhân, vì sự hòa bình mà phải nói đến thị hay phi, rồi đứng yên ở cốt trục của "bánh xe Trời" (Thiên Quân): đó gọi là "lưỡng hành".
*
D. Cổ chi nhân, kỳ tri hữu sở chí[cxxi] hĩ.
Ô hồ chí? Hữu di vi vị thủy hữu vật giả chí hĩ, tận hĩ, bất khả dĩ gia hĩ. Kỳ thứ dĩ vi hữu vật hĩ, nhi vị thủy hữu phong[cxxii] dã. Kỳ thứ dĩ vi hữu phong yên, nhi vị thủy hữu thị phi dã. Thị phi chi chương dã, Đạo chi sở dĩ khuy dã. Đạo chi sở dĩ khuy, ái chi sở dĩ thành[cxxiii]. Quả thả hữu thành dữ khuy hồ tai? Quả thả vô thành dữ khuy hồ tai? Hữu thành dữ khuy, cố Chiêu thị[cxxiv] chi cổ cầm dã. Vô thành dữ khuy, cố Chiêu thị chi bất cổ cầm dã. Chiêu văn chi cổ cầm dã, Sư Khoáng[cxxv] chi chi sách dã, Huệ tử[cxxvi] chi cứ ngộ dã, tam tử chi tri cơ hồ? Giai kỳ thạnh giả dã, cố tải chi mạt niên. Duy kỳ háo chi dã, dĩ dị ư bỉ; kỳ háo chi dã, dục dĩ minh chi, bỉ phi sở minh nhi minh chi. Cố dĩ kiên bạch[cxxvii] chi muội chung, nhi kỳ tử hựu dĩ văn chi luân chung, chung thân vô thành. Nhược thị nhi khả vị thành hồ? Tuy ngã diệc thành dã. Nhược thị nhi bất khả vị thành hồ? Vật dữ ngã vô thành dã. Thị cố hoạt nghi chi diệu[cxxviii], Thánh nhân chi sở đồ dã. Vi thị bất dụng, nhi ngụ chư dung[cxxix], thử chi vị dĩ minh[cxxx].
DỊCH NGHĨA:
D. Người xưa, cái biết của họ có chỗ cùng cực. Sao gọi là cùng cực? Có kẻ cho rằng thuở ban đầu chưa hề có vật gì cả, đó là một chủ trương cực đoan cùng tận, không thể còn nói gì thêm được nữa. Có kẻ thì cho rằng đã có vật rồi, nhưng vật ấy chưa từng chia phân. Lại cũng có kẻ cho rằng đã có vật rồi, nhưng vật ấy đã lại có chia phân. Thị Phi mà bị chia phân rõ rệt ra rồi, thì Đạo mới có chỗ khuyết. Đạo mà có chỗ "khuyết" (vì không đủ) mới có tạo thành ra chữ "ái" (để mà hòa hợp lại). Quả có "khuyết" có "ái" chăng? Quả không có "khuyết", không có "ái" chăng? Bởi thấy có "khuyết" có "ái", họ Chiêu mới khảy cầm. Không có "khuyết" có "ái" thì họ Chiêu khảy cầm làm chi?
Có Chiêu văn khảy cầm, Sư Khoáng mới lập luật định ngũ âm, Huệ tử mới giảng âm luật. Chỗ biết của ba người này có là bao nhiêu mà thiên hạ đều hoan nghênh cho đến đời cuối cùng này mà luật ấy hãy còn thịnh hành? Chỗ ưa thích của họ đâu có giống với chỗ ưa thích của chúng nhân. Muốn đem cái chỗ không sáng của mình mà soi sáng cho kẻ khác, nên suốt đời cam chịu tối tăm vì câu chuyện "kiên bạch". Họ thử đem ngón đàn hay của họ mà truyền dạy cho con họ, trọn đời biết có truyền dạy được không! Nếu mà họ truyền đạt được, thì ta đây cũng truyền dạy được. Bằng họ truyền dạy không đặng, thì ta đây cũng truyền dạy không được. Cho nên chỗ mà bậc thánh nhân mong mỏi là được ở trong cái ánh sáng mập mờ (của cái nhìn tổng quát hỗn hợp), không dùng phép tắc của ai cả, chỉ dùng cái lý thông thường của mọi người để xử sự với đời. Đó gọi là mượn lấy ánh sáng của người vậy.
*
Đ. Kim thả hữu ngôn ư "thử", bất tri kỳ dữ "thị" loại hồ[cxxxi], kỳ dữ thị bất loại hồ? Loại dữ bất loại, tương dữ vi loại, tắc dữ bỉ vô dĩ dị hĩ. Tuy nhiên, thỉnh thường ngôn chi: "hữu thủy" dã giả, "hữu vị thủy hữu thủy" dã giả, "hữu vị thủy hữu phù vị thủy hữu thủy" dã giả, "Hữu hữu" dã giả, "hữu vô" dã giả, "hữu vị thủy hữu vô" dã giã, "hữu vị thủy hữu phù vị thủy hữu vô" dã giả[cxxxii]. Nga nhi hữu vô hĩ, nhi vị tri hữu vô chi quả, thục hữu thục vô dã? Kim ngã tắc dĩ hữu vị hĩ, nhi vị tri ngô sở vị chi, kỳ quả hữu vị hồ, kỳ quả hữu vô vị hồ?
Thiện hạ mạc đại ư thu hào chi mạt, nhi đại sơn vi tiểu. Mạc thọ hồ thương tử nhi Bành tổ vi yểu.
Thiên địa dữ ngã tịnh sanh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất. Ký dĩ vi nhất hĩ, thả đắc hữu ngôn hồ? Ký dĩ vị chi nhất hĩ, thả đắc vô ngôn hồ? Nhất dữ ngôn vi nhị, nhị dữ nhất vi tam[cxxxiii]. Tự thử dĩ vãng, xảo lịch bất năng đắc nhi huống kỳ phàm hồ? Cố tự vô thích hữu, dĩ chí ư tam, nhi huống tự hữu thích hữu hồ? Vô thích yên, nhân thị dĩ[cxxxiv].
Phù Đạo vị thủy hữu phong[cxxxv], ngôn vị thủy hữu thường[cxxxvi]. Vi thị nhi hữu chân[cxxxvii] dã. Thỉnh ngôn kỳ chân: hữu tả hữu hữu, hữu luân hữu nghĩa, hữu phản hữu biện, hữu cạnh hữu tranh, thử chi vị bát đức, lục hợp chi ngoại[cxxxviii]. Thánh nhân tồn nhi bất luận. Lục hợp chi nội, thánh nhân luận nhi bất nghị. Xuân thu kinh thế tiên vương chi chí, thánh nhơn nghị nhi bất biện[cxxxix]. Cố phận dã giả hữu bất phân dã, biện dã giả, hữu bất biện dã[cxl]. Viết: hà dã? Thánh nhân hoài chi, chúng nhân biện chi. Dĩ tương thị dã. Cố viết: Biện dã giả, hữu bất kiến dã[cxli]. Phù đại Đạo bất xưng, đại biện bất ngôn, đại nhân bất nhân, đại liêm bất khiêm, đại dũng bất kỵ. Đạo chiêu nhi bất Đạo[cxlii], ngôn biện nhi bất cập[cxliii], nhân thường nhi bất thành, liêm thanh nhi bất tín, dũng kỵ nhi bất thành, ngũ giả ngoan nhi cơ hướng phương hĩ. Cố tri chỉ kỳ sở, bất tri, chí hĩ[cxliv]. Thục tri bất ngôn chi biện, bất đạo chi đạo? Nhược hữu năng tri, thử chi vị thiên phủ, chú yên nhi bất mãn, chước yên nhi bất kiệt, nhi bất tri kỳ sở do lai, thử chi vị bảo quang[cxlv].
Cố tích giả Nghiêu vấn ư Thuấn viết: ngã dục phạt Tông, Khoái, Tự Ngao; nam diện nhi bất thích nhiên, kỳ hà cố dã? Thuấn viết: Phù tam tử giả, du tồn hồ, bồng ngải chi gian? Nhược bất thích nhiên, hà tai? Tích giả thập nhật tịnh xuất, vạn vật giai chiếu nhi huống đức chi tiến hồ nhật giả hồ!
DỊCH NGHĨA:
Đ. Ví như nay có người hỏi rằng: không rõ chữ "đó" có giống với chữ "đây" chăng; hay không giống với chữ "đây" chăng? Giống và không giống, hay cùng là một giống với nhau, thì là bên này không có gì khác với bên kia nữa. Tuy vậy, còn có nhiều danh từ thông thường mà ý nghĩa tương phản, ta cũng cho nó giống nhau được nữa chăng? Như những danh từ sau đây: "hữu thủy", "hữu vị thủy hữu thủy", "hữu vị thủy hữu phù vị thủy", "hữu hữu", "hữu vô", "hữu vị thủy hữu vô", "hữu vị thủy hữu phù vị thủy hữu vô". Thoạt trông qua mà "có" là đã "không" rồi, nhưng cũng chưa rõ là có hay không? Và quả có cái gì là có, có cái gì là không hay chăng? Nay thì ta cũng đã có nói rồi, nhưng chưa biết rõ điều ta nói đó quả đã có nói không, hay chưa có nói không?
Dưới trời không có gì lớn bằng cọng lông mùa thu, mà không có gì nhỏ bằng núi Thái; không có gì thọ bằng đứa bé chết yểu, mà không có gì yểu bằng ông Bành Tổ.
Trời Đất cùng ta đồng sinh, và vạn vật cùng ta là một. Đã là một rồi, thì nói ra có được không? Đã gọi là một rồi, thì không nói ra có được không? Một và lời là hai. Hai với một là ba. Từ ba trở lại một, bậc gọi là xảo lịch còn không hiểu được thay, huống chi là kẻ tầm thường! Cho nên, từ chỗ "không" mà sang chỗ "có", còn phải đến số ba, huống chi từ chỗ có mà sang chỗ có? Không phải sang qua đâu cả, chỉ nên theo chỗ có đấy là đủ.
Vả, Đạo chưa hề có khu vực; lời nói chưa hề có định thức. Có cho đây là Thị, thì mới có sự chia phân thị với phi thành từng khu vực. Vậy, xin bàn về khu vực ấy: có mặt, có trái, có luận, có nghĩa, có phân, có chia, có cạnh, có tranh, đó gọi là "bát thức". Phần ngoài của "lục hợp", thánh nhân để yên mà không luận đến. Phần trong của "lục hợp", thánh nhân luận đến mà không bàn. Lịch sử đời Xuân Thu của các Tiên vương, thánh nhân bàn đến mà không chê khen biện luận. Cho nên tuy có phân chia mà không phân chia; biện bác mà không biện bác. Sao vậy? Là vì thánh nhân thì ôm giữ, chúng nhân thì biện bác để mà khoe khoang. Nên mới có lời nói này: "hay biện phân, thì có chỗ không thấy rõ được". Vả, "đại Đạo" thì không xưng tên; "đại biện" thì không có lời; "đại nhân" thì không thương ai; "đại liêm" thì không nhún nhường; "đại dũng" thì không làm hại ai. Đạo mà sáng thì không phải Đạo; lời mà rõ ràng thì không tới chốn, nhân mà thường thì không nên việc; liêm mà thanh thì không thể tin; dũng mà hại người thì không nên việc. Năm điều ấy tròn mà thành vuông. Cho nên, biết dừng chỗ mà mình không thể biết, là đến chốn rồi vậy. Có ai biết được cách biện biệt mà không dùng đến lời, nói mà không cần phải nói ra lời? Nếu có kẻ biết được, kẻ ấy gọi là "Thiên phủ" (kho trời) đổ vô mãi mà không đầy, rót ra mãi mà không cạn, nhưng không biết do đâu mà đến. Nên mới gọi là "che ánh sáng" (bảo quang).
Cho nên ngày xưa Nghiêu hỏi Thuấn:
- "Ta muốn phạt Tông, Khoái, Tư Ngao, ngảnh mặt sang Nam mà không thấy lòng khoan khoái. Như thế là cớ làm sao?"
Thuấn nói:
- "Như ba người ấy (vua của ba nước ấy) khác nào sống ở giữa cỏ bồng cỏ ngãi. Nhà Vua sao lại không thấy lòng khoan khoái? Xưa kia, mười mặt trời cùng mọc, muôn vật đều được soi sáng, huống chi cái Đức của người còn hơn mặt trời!"
*
E. Khiết Khuyết vấn hồ Vương Nghê[cxlvi] viết:
Tử tri vật chi sở đồng thị hồ?
Viết: ngô ô hồ tri chi.
Tử tri tử chi sở bất tri da?
Viết: ngô ô hồ tri chi.
Nhiên tắc vật vô tri da?
Viết: ngô ô hồ tri chi. Tuy nhiên, thường thí ngôn chi. Dung cự tri ngô sở vị tri chi phi bất tri da? Dung cự tri ngô sở vị bất tri chi phi tri da? Thả ngô thường thí vấn hồ nhữ[cxlvii]: dân thấp tẩm, tắc yêu tật thiên tử[cxlviii], thu nhiên hồ tai[cxlix]? Mộc xử tắc chủy lật tuân cụ[cl], viên hầu nhiên hồ tai? Tam giả thục tri chánh xử? Dân thực sô hoạn[cli], mê lộc thực tiến[clii], lương thư[cliii] cam đái, xi nha thị thử[cliv]: tứ giả thục nhi tri chánh vị? Viên biên thư dĩ vi thư[clv] mê dữ lộc giao, thu dữ ngư du. Mao tường Lệ Cơ nhơn chi sở mỹ dã, ngư kiến chi thâm nhập, điểu kiến chi cao phi, mê lộc kiến chi quyết sậu[clvi]. Tứ giả thục tri thiên hạ chi chánh sắc tai?
Tự ngã quan chi, nhân nghĩa chi đoan, thị phi chi đồ, phiền nhiên hào loạn, ngô ô năng tri kỳ biện.
Khiết-Khuyết viết: tử bất tri lợi hại, tắc chí nhân cố bất tri lợi hại hồ?
Vương Nghê viết: chí nhân thần hĩ! Đại trạch phần nhi bất năng nhiệt, hà hán hộ nhi bất năng hàn. Tật lôi phá sơn, phong chấn hải, nhi bất năng kinh. Nhược nhiên giả, thừa vân khí, kỵ nhật nguyệt, nhi du hồ tứ hải chi ngoại, tử sinh vô biến ư kỷ, nhi huống lợi hại chi đoan hồ?
DỊCH NGHĨA:
E. Khiết Khuyết hỏi Vương Nghê:
- Ông biết chỗ đồng phải giống nhau của mọi vật không?
- Ta biết đâu việc đó.
- Ông biết chỗ mà ông không biết không?
- Ta biết đâu việc đó.
- Vậy thì, mọi vật, cũng không biết gì cả hay sao?
- Ta biết đâu việc đó. Tuy vậy, ta thử nói xem sao. Biết đâu cái mà ta gọi là biết, lại chẳng phải là cái mà ta không biết? Biết đâu cái mà ta gọi là không biết lại chẳng phải là cái mà ta biết? Vả, ta đã từng thử hỏi ngươi: người nằm trong chỗ ẩm thấp thì sanh ra đau lưng và tê liệt một bên mình; con cá chạch thì có sao không? Người ở trên cây run rẩy sợ sệt; còn loài khỉ vượn thì có sao không? Ba loài ấy, ai biết chỗ ở nào là chỗ ở chính? Con người thì ưa ăn thịt thà, hươu nai thì thích ăn cỏ non; rết thì cho rắn con là ngon; chim mèo chim cú thì nghiện ăn chuột bọ. Bốn loài ấy, ai biết vị ăn nào là chính vị? Vượn và khỉ theo với nhau, nai và hươu cùng với nhau, chạch và cá lội với nhau. Mao Tường, Lệ Cơ, người thấy thì cho là đẹp, mà cá thấy thì lặn sâu, chim thấy thì bay cao, hươu nai thấy thì chạy dài. Bốn loài ấy, ai biết sắc đẹp nào là chính sắc trong thiên hạ?
Tự mà xem, thì đầu mối của nhân nghĩa, đường nẻo của thị phi rối loạn lung tung, ta làm sao biết đâu mà phân biện.
Khiết Khuyết nói: "Ông không biết lợi hại, còn bậc chí nhân cũng không biết lợi hại nữa hay sao?"
Vương Nghê nói: "Chí nhân là bậc thần: chầm lớn cháy, không thể làm cho đó nóng, sông Hà sông Hán đặc mà không thể làm cho đó lạnh; sét đánh vỡ núi; gió dậy biển cả cũng không làm cho đó sợ. Người như thế thì theo hơi mây, cỡi mặt trời mặt trăng mà rong chơi ngoài bốn biển, chết sống còn không làm cho người họ điên đảo phương chi là mối lợi hại?"
*
G. Cù Thước tử[clvii], vấn hồ Trường Ngô tử viết:
Ngô văn chư[clviii] phu tử thánh nhân bất tùng sự ư vụ, bất tựu lợi, bất vi hại, bất hỉ cầu, bất duyên đạo[clix], vô vị hữu vị[clx], hữu vị vô vị[clxi] nhi du hồ trần cấu chi ngoại[clxii]. Phu tử[clxiii] dĩ vi mạn lãng[clxiv] chi ngôn, nhi ngã dĩ vi diệu đạo chi hạnh[clxv] dã. Ngô tử dĩ vi hề nhược?
Trường Ngô tử viết:
Thị Hoàng đế chi sở thinh uỷnh dã, nhi Khưu[clxvi] dã hà túc dĩ tri chi. Thả nhữ diệc đại tảo kế, kiến noãn nhi cầu thời dạ[clxvii], kiến đàn nhi cầu hiêu chích. Dư thường vị nhữ võng ngôn chi, nhữ dĩ võng thính chi. Hề[clxviii] bàng[clxix] nhật nguyệt, hiệp vũ trụ, vi kỳ thần hợp[clxx] trí kỳ hoạt hôn[clxxi] dĩ lệ tương tôn[clxxii]. Chúng nhân dịch dịch[clxxiii], thánh nhân ngu xuân[clxxiv] tham vạn tuế nhi nhất thành thuần[clxxv].
DỊCH NGHĨA:
G. Cù Thước hỏi Trường Ngô:
- Tôi nghe nơi ông rằng thánh nhân không bận đến việc đời; không tìm lợi; không lánh hại; không tha thiết đến việc gì; cũng không quấn quít với Đạo; có nói (mà như) không có nói; không nói (mà như) đã nói; tha hồ rong chơi ngoài bụi bặm (của cuộc đời). Thầy tôi cho đó là lời nói vu vơ, còn tôi, thì lại cho đó là cái hạnh của kẻ đã nhập diện nơi Đạo rồi vậy. Ý ông như thế nào?
Trường Ngô nói:
- Đó là điều mà Hoàng đế nghe còn nghi ngờ thay, ông Khưu làm gì đủ để mà hiểu được. Vả, ngươi cũng đoán hơi sớm lắm: vừa thấy trứng gà là đã mong được nghe tiếng gà gáy, vừa thấy viên đạn là đã mong được ăn chim nướng. Nay ta thử vì ngươi nói bậy mà nghe, còn ngươi cũng nghe bậy mà chơi. Làm thế nào để dựa kề nhật nguyệt, nhập cùng vũ trụ, xáo trộn cả thị phi, quý tiện, vượt muôn tuổi mà ôm giữ cái chỗ thuần nhất bất biến.
*
H. Vạn vật tận nhiên nhi dĩ thị tương uẩn[clxxvi]. Dư ô hồ tri duyệt sinh chi phi hoặc da? Dư ô hồ tri ố tử chi phi nhược táng nhi bất tri qui giả da?
Lệ chi cơ, Ngại phong nhân chi tử dã. Tấn quốc chi thủy đắc chi dã, thế khấp thiêm câm. Cập kỳ chí ư vương sở, dữ vương đồng khuông sàng, thực sô hoạn[clxxvii], nhi hậu hối kỳ khấp dã.
Dư ô hồ tri phù tử giả bất hối kỳ thủy chi ky sinh hồ?
Mộng ẩm tửu giả, đán nhi khốc khấp. Mộng khốc khấp giả, đán nhi điền liệp[clxxviii]. Phương kỳ mộng dã, bất tri kỳ mộng dã. Mộng chi trung, hựu chiêm kỳ mộng yên, giác nhi hậu tri kỳ mộng dã. Thả hữu đại giác, nhi hậu tri thử kỳ, đại mộng dã. Nhi ngu giả tự dĩ vi giác, thiết thiết nhi tri chi quân hồ mục hồ?
Cố tai! Khưu dã dữ nhữ, giai mộng dã. Dư vị nhữ mộng diệc mộng dã. Thị kỳ ngôn dã, kỳ danh vi điếu quỉ. Vạn thế chi hậu nhi nhất ngộ đại thánh, tri kỳ giải giả, thị đán mộ ngộ chi dã.
Ký sử ngã dữ nhược biện hĩ nhược thắng ngã, ngã bất nhược thắng. Nhược quả thị dã, ngã quả phi dã da? Ngã thắng nhược, nhược bất ngô thắng, ngã quả thị dã, nhi quả phi dã da? Kỳ hoặc thị dã, kỳ hoặc phi dã da? Kỳ câu thị dã, kỳ câu phi dã da? Ngã dữ nhược, bất năng tương tri dã, tắc nhân cố thọ kỳ đảm ám, ngô thùy sử chánh chi? Sử đồng hồ nhược giả chánh chi, ký dữ nhược đồng hĩ, ô năng chánh chi? Sử đồng hồ ngã giả chánh chi, ký đồng hồ ngã hĩ, ô năng chánh chi? Sử dị hồ ngã dữ nhược giả chánh chi, ký dị hồ ngã dữ nhược hĩ, ô năng chánh chi? Sử đồng hồ ngã dữ nhược giả chánh chi, ký đồng hồ ngã dữ nhược hĩ, ô năng chánh chi? Nhiên tắc ngã dữ nhược dữ nhân câu bất năng tương tri dã, nhi đãi bỉ dã da? Hà vị hòa chi dĩ thiên nghê[clxxix]. Viết: thị bất thị, nhiên bất nhiên.
Thị nhược quả thị dã, tắc thị chi dị hồ bất thị dã, diệc vô biện. Nhiên nhược quả nhiên dã, tắc nhiên chi dị hồ bất nhiên dã, diệc vô biện. Hóa thinh chi tương đãi, nhược kỳ bất tương đãi, hòa chi dĩ thiên nghê, nhơn chi dĩ mạn diễn[clxxx], sở dĩ cùng niên dã. Vong niên vong nghĩa[clxxxi] chấn[clxxxii] ư vô cảnh, cố ngụ chư vô cảnh[clxxxiii].
DỊCH NGHĨA:
H. Hiểu tận vạn vật rồi, mới thấy nó thuần nhất. Ta sao biết ham sống chẳng phải là lầm? Ta sao biết sợ chết lại chẳng là mê, mà không biết cho đó là con đường về?
Lệ Cơ, con của một vị phong nhân xứ Ngại, gả cho Vua nước Tấn. Khi về nhà chồng, lụy ướt đầm bâu. Kịp khi đến hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm mùi sô hoạn, rồi lại hối hận giọt lệ ngày xưa. Ta biết đâu kẻ chết lại không hối hận vì mình đã mong được sống thêm?
Có kẻ chiêm bao cười giữa tiệc, tỉnh giấc khóc trong lòng. Hoặc chiêm bao buồn khóc, khi tỉnh giấc như vui săn. Lúc chiêm bao không biết chiêm bao, khi tỉnh giấc mới hay là mộng cả. Chỉ có bậc đại giác mới biết cuộc đại mộng đó thôi. Nhưng mà kẻ ngu lại tự cho họ là tỉnh, rồi họ cũng tin thật rằng họ là bậc vua chúa, hay họ là kẻ chăn ngựa! Gàn thay, ông Khưu cùng ngươi đều chiêm bao cả! Lời nói ấy, gọi là lời "điếu quỷ" (quái gở)! Sau muôn đời, may mà gặp được bậc đại thánh biết cách giải nghĩa của nó ra, thì trong một sớm một chiều sẽ ngộ nó được vậy.
Nếu ta nói với ngươi, cùng tranh biện: ngươi thắng được ta, ta không thắng được ngươi, vậy ngươi hẳn là đã phải, mà ta hẳn là đã quấy chưa? Nếu ta thắng được ngươi; ngươi không thắng được ta, vậy ta hẳn là đã phải, mà ngươi hẳn đã là quấy chưa? Hay là, khi thì phải, khi thì quấy hay sao? Hay là, cả hai chúng ta đều phải cả, hoặc cùng quấy cả hay sao? Ta và ngươi không thể biết được nhau, thì người người đành phải chịu tối tăm rồi! Ta phải nhờ ai chính lại việc ấy? Nhờ kẻ đồng với ngươi thì làm sao chính được việc đó! Cậy người đồng với ta để chính lại việc đó ư? Nó đã đồng với ta thì làm sao chính được việc đó? Cậy người khác với ta và khác với ngươi, để chính lại việc đó ư? Nó đã khác với ta và khác với ngươi, thì làm sao chính lại được việc đó? Cậy người đồng với ta và đồng với ngươi để chính lại việc đó ư? Nó đã đồng với ta và đồng với ngươi thì làm sao chính được việc đó? Vậy thì ta với ngươi cùng với người đó đều không thể biết nhau được, sao phải chờ người đó làm gì?
Sao gọi là hòa hợp với thiên nghê? Là phải mà cũng là chẳng phải; phải vậy mà cũng là chẳng phải vậy. Cái phải của ngươi, nếu quả thực là phải, thì cái phải đó có khác gì cái không phải, cho nên cũng không biện được. Cái phải vậy của ngươi, nếu quả thực là phải vậy, thì cái phải vậy đó có khác gì cái không phải vậy, thành ra cũng không biện được. Hóa ra thảy đều là đối đãi, nếu muốn không đối đãi chi bằng hòa hợp với tự nhiên (thiên nghê), nhân đó mà lời nói của ta đặng vĩnh cửu. Quên sống chết, quên phải quấy là suốt thông lẽ hư vô (vô cảnh), nên gửi mình vào cõi hư vô (vô cảnh).
*
I. Vọng lượng vấn cảnh viết: Nãng tử hành, kim tử chỉ. Nãng tử tọa, kim tử khởi. Hà kỳ vu, đặc tháo dư?
Cảnh viết: Ngô hữu đãi nhi nhiên giả da? Ngô sở đãi hựu hữu đãi nhi nhiên giả da? Ngô đãi xà phù điêu dực da? Ô thức sở dĩ nhiên, ô thức sở dĩ bất nhiên?
DỊCH NGHĨA:
I. Bóng lu hỏi bóng tỏ: "Nãy anh đi, giờ anh đứng. Nãy anh ngồi, giờ anh dậy. Sao anh không có nết riêng?"
Bóng tỏ nói: ta có phải nương chờ mà như thế chăng? Hay là chỗ ta nương chờ lại còn phải nương chờ nơi chỗ khác mà như thế chăng? Ta phải nương chờ, như vảy rắn cánh ve chăng? Sao biết sở dĩ nó là thế? Sao biết sở dĩ nó không phải là thế?
*
K. Tích giả Trang-Châu mộng vi hồ điệp, hủ hủ nhiên hồ điệp dã, tự dụ thích chí dữ bất tri Châu dã. Nga nhiên giác, tắc cừ cừ nhiên Châu dã. Bất tri Châu chi mộng vi hồ điệp dư? Hồ điệp chi mộng vi Châu dư? Châu dữ hồ điệp, tắc tất hữu phận hĩ. Thử chi vị Vật hóa.
DỊCH NGHĨA:
K. Xưa Trang-Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Châu. Không biết Châu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Châu? Châu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa.
TỔNG BÌNH
Như ta đã thấy ở thiên Tiêu Diêu Du, mục đích của học thuyết Trang-tử là tự do tuyệt đối.
Muốn đạt đến "tự do tuyệt đối", việc cần thiết đầu tiên là giải thoát tâm trí ra khỏi cái vòng nhận định sai lầm của nhãn thức nhị nguyên chia phân cái Sống Một làm hai phần rất phân biệt: tâm vật, thị phi, thiện ác, sanh tử, vinh nhục...
Tề-Vật-Luận là phương pháp luận của Trang-tử để đạt đến Tiêu diêu tự tại. Tề-Vật tức là "nhất thiết bình đẳng" nghĩa là vạn vật đều ngang bằng nhau cả, ngang nhau về phẩm, như ta đã thấy ở Tiêu Diêu Du.
Thật vậy, nếu không có được cái nhãn quang nhìn thấy sự "nhất thiết bình đẳng" trong các sự vật thì ắt phải có chỗ chọn lựa, nghĩa là còn có chỗ "lấy bỏ"[clxxxiv], có chỗ ưa ghét. Lấy cái gì, bỏ cái gì? Lấy cái tốt, bỏ cái xấu; ưa cái hay, ghét cái dở. Và nhân thế mới có sự thiên lệch và nô lệ theo một bảng giá trị chủ quan nào về sự vật. Có cái "phải" đối với ta ngày nay, nhưng qua ngày mai nó sẽ không còn "phải" nữa. Có món hợp với ta, nhưng lại không hợp với người khác. Có việc hợp với người này, lại không hợp với người kia. Một vấn đề tương đối và tạm thời. Nhưng sai lầm và nguy hiểm là khi nào ta lại nhận nó là một chân lý tuyệt đối, nghĩa là một chân lý bất di bất dịch và chung cho bất cứ ở thời gian hay không gian nào. Cho nên mới nói rằng: "có chỗ ưa ghét, có chỗ lấy bỏ, thì không còn gọi là tự do tuyệt đối nữa."[clxxxv]
Tóm lại, người thật là tự do, biết trong sự tiêu diêu tự tại trong Bản Tính là người phải biết "xem bằng"[clxxxvi] thị phi, thiện ác... không chịu sống nô lệ bất cứ một bảng giá trị về thị phi, thiện ác của một chế độ luân-lý nào cả. Nên biết rằng họ không phải là người "vô luân-lý" như người ta đã hiểu lầm mà là một hạng người đã vượt lên trên tất cả mọi thứ luân-lý tầm thường chật hẹp: họ là hạng người không còn tư tâm tư dục nữa, nghĩa là hạng người "vô kỷ", "vô công" và "vô danh"[clxxxvii]
*
A. SỰ BÌNH ĐẲNG GIỮA PHẢI QUẤY VÀ XẤU TỐT
Đứng theo quan niệm nhị nguyên (chỉ thấy có một cái ta riêng biệt) mà xem, thì sẽ thấy sự vật có phải, có quấy rõ ràng. Phải, là cái gì có lợi cho ta. Quấy, là cái gì bất lợi cho ta.
Trái lại, nếu không thiên chấp mà biết nhìn rộng ra sự vật khác bên ngoài ta, thì biết đâu cái mà ta gọi là "phải" đối với ta đây, vị tất cũng còn là "phải" đối với kẻ khác? Ngay cùng một việc mà ta cho là "phải"đối với ta bây giờ, sẽ không còn là "phải" nữa đối với ta sau này! Như vậy Phải và Quấy là một việc cá nhân tương đối và chủ quan, hết sức bất thường. Nêu nói ra để mà nói với thiên hạ, để mà làm tiêu chuẩn chung và bắt cả thiên hạ phải cùng theo, thì còn nghĩa lý gì nữa!
"Người nằm trong chỗ ẩm thấp thì sinh ra đau lưng và tê liệt một bên mình; con cá chạch thì có sao không? Người ở trên cây thì run rẩy, sợ sệt; còn loài khỉ vượn có sao không? Ba loài ấy, ai biết chỗ nào là chỗ ở chính? Con người thì ưa ăn thịt thà; hươu nai thì thích ăn cỏ non; rết thì cho rắn con là ngon; chim mèo chim cú thì nghiện ăn chuột bọ. Bốn loài ấy, ai biết món ăn nào là chính vị? Mao Tường Lệ Cơ, người thấy thì cho là đẹp mà cá thấy thì lặn sâu, hươu nai thấy thì chạy dài. Bốn loài ấy, ai biết sắc đẹp nào là chính sắc trong thiên hạ?"
Mỗi vật đều thuận theo chỗ hợp của mình: không có chỗ nào là chỗ hợp chung cho tất cả vạn vật. Mỗi vật đều biết ngon theo chỗ ngon riêng của mình: không có vị nào là ngon chung cho tất cả vạn vật. Mỗi vật đều có sự ưa thích theo một cái đẹp riêng theo mình: không có cái đẹp nào là cái đẹp chung cho tất cả vạn vật. Và như vậy, nếu đã không có cái đẹp nào là cái đẹp chung để làm cái gương tận mỹ chung cho tất cả mọi vật, thì cũng không có cái thiện nào có thể đem ra làm cái gương tận thiện chung cho tất cả mọi người.
*
Quan niệm về Bình Đẳng của Trang-tử không giống với quan niệm thông thường của người đời. Bình đẳng của người thường hiểu là một thứ bình đẳng hình thức máy móc, hiểu theo cái nghĩa nông cạn là san bằng mọi sự mọi vật, bất chấp cái luật "bất bình đẳng tự nhiên" trong vạn vật cũng như trong loài người: sang, hèn, trí, ngu, lớn, nhỏ, trai, gái... đều bắt buộc phải uốn mình sống theo một khuôn khổ luân-lý, giáo dục, luật pháp giống nhau. Nơi trường học, kẻ sáng, người tối, gái, trai... đều chịu chung một lối giáo dục như nhau; người ta quên nghĩ đến cái cá tính đặc biệt của mỗi người mỗi vật. Văn minh loài người sở dĩ không thể phát triển mau lẹ được cũng vì quan niệm lạc lầm này. Trong nhiều chế độ người ta còn đề cao vai trò của xã hội đến đỗi cá nhân không còn chỗ nào để thở được bằng cái mũi của mình, xem được theo cặp mắt của mình, cảm được theo quả tim của mình nữa, mà suốt đời chỉ biết nhận những chỉ thị của bề trên, và sống rập theo một khuôn khổ đã ấn định chung cho tất cả mọi người.
Theo Trang-tử, "tính" của vật không đồng nhau, tức là chỗ mà nhà xã hội học ngày nay gọi là "những bất bình đẳng tự nhiên". Vậy, chỗ "không đồng" (bất đồng) của vạn vật, ta phải biết "nhận lãnh", biết "chịu" nó, và hãy để cho mỗi vật tự do sống theo cái sống của nó. Đó là nhân chỗ "bất đồng" mà làm cho vạn vật "đồng nhau" vì mỗi vật đã được tự do sống theo "bản tính" của mình.
Tất cả mọi chế độ chánh trị, xã hội, luân-lý từ xưa đến nay đều, ít hay nhiều, quy định một cái tận thiện mẫu để làm tiêu chuẩn chung cho tư tưởng hành vi con người và bắt buộc người người đều theo đó mà sống. Đó là cưỡng ép chỗ "không thể đồng" phải "đồng nhau". Phải chăng là điều rất sai với tự nhiên, làm thống khổ con người vô cùng! Mỗi vật đều có cái tính tự nhiên của nó: sự ưa ghét cũng vì đó mà không thể "đồng" nhau. Nay lại cưỡng ép người người đều phải thừa nhận một lẽ phải khác với cái lẽ phải của họ, khác với lòng hiếu ố riêng của họ, là làm cho họ mất tự do sống theo cái Sống của họ. Cho nên, Tự Do và Bình đẳng không thể đi đôi với nhau được: hễ được Tự Do thì không bình đẳng, mà theo bình đẳng, cái thứ bình đẳng san bằng mọi vật, thì mất tự do.
Theo Trang-tử thì không phải vậy. Tự Do và Bình Đẳng lại đi đôi với nhau như bóng với hình. Sở dĩ con người được bình đẳng là nhờ có tự do, mà được tự do là nhờ có bình đẳng. Nhận có tự do và quý trọng tự do thì mới có cầu mong cho vạn vật, mỗi vật đều được tự do sống theo cái Sống của mình. Mà, nếu vạn vật, vật nào cũng sống được cái sống của mình, đó là vạn vật nhờ tự do mà được bình đẳng. Cũng như, nhận có bình đẳng thì mới chịu để cho vạn vật, vật nào cũng được sống theo mình thì vạn vật, vật nào cũng nhờ đó mà được tự do.
Tóm lại, phàm đã chủ trương tự do tuyệt đối, ắt cũng phải chủ trương bình đẳng tuyệt đối. Là vì nếu không thừa nhận bình đẳng tuyệt đối, mới có cho rằng giữa người và người, giữa vật và vật có cái này hay hơn cái kia, hoặc có cái kia hay hơn cái này. Đã nhận có cái này hay hơn cái kia, người này hay hơn người kia mới có cho rằng người hay phải lo cải tạo người không hay, để cho đó trở về đường hay theo quan niệm chủ quan tạm thời của mình. Như thế là ta không nhận có tự do của con người. Không nhìn nhận tự do của con người mới có sự cưỡng ép kẻ khác phải sống theo quan niệm về điều phải lẽ quấy theo ta, không được sống tự do theo cái sống của họ. Nếu đó không phải là chuyên chế, thì đâu mới là chuyên chế?
Người người đều được tự do sống theo mình, thì cái "phải" của mọi người đều được xem là "phải" cả, và cái "đẹp" của mọi người cũng đều được xem là "đẹp" cả. Vậy thì mọi vật dưới trời không còn vật nào tự nó không tốt đẹp; mọi ý kiến dưới trời không có ý kiến nào là không ngang bằng nghĩa là bình đẳng như nhau tất cả.
*
Thị Phi, Thiện Ác là một vấn đề tương đối. Nhưng, tiến thêm một bước sâu hơn, ta lại thấy: Thị cũng do Phi mà có, Phi cũng do Thị mà sinh, cũng như Thiện do Ác mà sinh, Ác do Thiện mà có.
Trang-tử nói: "(...) "đó" do "đây" mà ra; "đây" do đó mà "có" (...)"
"Đó" do "đây" mà ra, "đây" nhân "đó" mà có, đó là muốn nói đến cái luật đối đãi, mà cũng vừa muốn nói đến cái luật "vật cùng tắc biến" và hễ biến thì biến thành đối địch của nó.
Và lên đến một tầng cao hơn nữa, ta sẽ thấy Thị Phi chẳng những là một lẽ đối đãi, bổ khuyết cho nhau "nhất âm nhất dương chi vi Đạo", mà Thị tức là Phi, Phi tức là Thị: cả hai là đồng nhất. Bởi vậy, Trang-tử mới nói: "Vật, không vật nào là không phải "đây", không vật nào là không phải "đó" (...) "Đó" cũng là "đây" mà "đây" cũng là "đó".
"Đó" và "đây" đã là Một, thì "đó" và "đây" riêng ra, đâu có thật. Hay nói một cách khác: cái phải của "đây" là cái quấy của "đó", mà "đó" là "đây", "đây" là "đó" thì chung quy phải và quấy là Một vậy.
"Đây" và "đó" đã vô định, thì "Phải" và "Quấy" cũng vô định, vậy mà người đời lại muốn định Phải Quấy nên mới có sự tranh biện và giành phần Phải cho mình. Nhưng, tranh biện nhau có đủ để rõ đặng đâu là Phải, đâu là Quấy chăng?
Thiên Tề-Vật-Luận nói: "Ta với ngươi cùng tranh biện: ngươi thắng được ta, ta không thắng được ngươi, vậy ngươi hẳn là đã phải, mà ta hẳn là đã quấy chưa? Nếu ta thắng được ngươi; ngươi không thắng được ta, vậy ta hẳn là đã phải, mà ngươi hẳn đã là quấy chưa? Hay là, khi thì phải, khi thì quấy hay sao? Hay là, cả hai chúng ta đều phải cả, hoặc cùng quấy cả hay sao? Ta và ngươi không thể biết được nhau, thì người người đành phải chịu tối tăm rồi! Ta phải nhờ ai chính lại việc ấy? Nhờ kẻ đồng với ngươi chăng để chính việc ấy? Nó đã đồng với ngươi thì làm sao chính việc ấy. Cậy người đồng với ta để chính việc ấy ư? Nó đã đồng với ta thì làm sao chính được việc đó! Cậy người khác với ta và khác với ngươi để chính lại việc đó ư? Nó đã khác với ta và khác với ngươi, thì làm sao chính lại được việc đó? Cậy người đồng với ta và đồng với ngươi để chính lại việc đó ư? Nó đã đồng với ta và đồng với ngươi thì làm sao chính được việc đó? Vậy thì ta với ngươi cùng với người đó đều không thể biết nhau được, sao phải chờ người đó làm gì?"
Vậy thì, tuy tranh biện mà Phải Quấy cũng không sao định đặng. Là vì còn thấy có "Đó", có "Đây". Khi mà lòng mình không còn chia phân Nhĩ Ngã, sống được trong cái Sống-Một của Đạo rồi, thì "Đó" là "Đây", "Đây" là "Đó", vấn đề Phải Quấy, Thiện Ác tự nhiên theo đó cũng tiêu tan như một cơn mộng mị. Một nhà Đạo học Ấn Độ ngày nay, J. KRISNAMURTI, nói rất chí lý: "Không có vấn đề nào để giải quyết cả: chỉ có cái Sống để sống mà thôi".
*
"Phải là một lẽ vô cùng; quấy cũng là một lẽ vô cùng" nghĩa là phải và quấy như trên cái vòng tròn, không biết đâu là khởi điểm. Ta cần đứng ở trung tâm của cái vòng ấy (hoàn trung) để chịu đây chịu đó. Chỗ trung tâm ấy, gọi là Đạo Xu (cốt của bánh xe Đạo). "Thánh nhân vì chỗ hòa mà nói "thị" nói "phi", rồi đứng yên nơi Thiên Quân, đó gọi là lưỡng hành". Lưỡng hành là "không rời khỏi thị phi, mà lại vượt thoát khỏi thị phi".
Thánh nhân đối với thị phi có hai cách cư xử:
1. Đối với mình, thì tâm trí hợp nhất, chỉ thấy có cái Sống-Một mà không thấy có thị phi.
2. Đối với người, thì biết phải quấy là hai lẽ tương đối nương nhau mà có, nên cứ đứng yên nơi trục quân bình để mà hòa với mọi người, tức là chỗ mà Trang-tử gọi là "triêu tam mộ tứ".
*
Nếu bảo rằng không có cái phải nào là tuyệt đối, tại sao Trang-tử lại bài bác chế độ luân-lý của người đương thời, há không phải đó là tự mâu thuẫn với mình sao? Không, Trang-tử có bao giờ cho rằng có một cái Phải nào là cái Phải tuyệt đối để làm mẫu cho mực cho thiên hạ loài người đâu! Sở dĩ có bài bác chăng là bài bác cái óc thiên tư độc đoán cho rằng chỉ có mình là Phải mà thiên hạ đều Quấy, và cái Phải hay cái Quấy chỉ là một trạng thái tạm thời và luôn luôn phản biến bất thường, không thể dụng tư tâm đem cái quan niệm về điều Phải lẽ Quấy của riêng mình mà bắt cả thảy thiên hạ cùng theo, và nhân đó làm cho con người thống khổ. Vậy chứ cái mà thiên hạ thường gọi là lo đời chẳng phải là lo đem thiên hạ vào cùng một khuôn tư tưởng như mình sao? Và "hễ đồng với ta, cho ta là Phải, không đồng với ta, cho ta là Quấy", hay nói một cách khác, kẻ nào không cùng với ta, là nghịch với ta. Thiên hạ từ xưa đến nay sở dĩ mà loạn, là vì phần nhiều ai ai cũng tưởng cái Phải của mình là tuyệt đối, nghĩa là chỉ có mình là phải. Không thế, thì sao có những chế độ độc tài đã làm điêu linh thống khổ thiên hạ!
*
B. SỰ BÌNH ĐẲNG GIỮA SỐNG VÀ CHẾT
Bình đẳng giữa Thị Phi... đưa ta đến một vấn đề không kém quan trọng hơn: vấn đề Sống Chết.
Theo Trang-tử thì trong Trời Đất, chỉ có một cái "Sống" mà thôi, tức là cái "Sống" không sinh, không tử. Còn nói đến sống và chết, những hình thức đối đãi nhau mà có, thì đó chỉ là một sự "thành hoại" của một trạng thái trong cuộc đại hóa của Trời Đất thôi. Sống chết, theo Trang-tử là một "cột", một "mở", một "đi" một "lại" nối tiếp nhau như trên cái "vòng tròn".
Cái Sống của ta đối với hình thể ta, như "lửa đối với củi". Cái Sống ấy như lửa truyền từ bó củi này sang bó củi kia: "Hỏa truyền mãi mà không tắt, cái Mạng quấn mãi mà không tuyệt".
Chết, là từ hình thức của một vật hiện tại nầy chuyển qua hình thức khác. Nếu từ cảnh nầy đổi qua cảnh khác mà sanh lòng lo sợ, thì có khác nào cảnh của "nàng Lệ Cơ, con của một vị phong nhân xứ Ngại, gả cho Vua nước Tấn. Khi về nhà chồng, lụy ướt đầm bâu. Kịp khi đến hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm mùi sô hoạn, rồi lại hối hận giọt lệ ngày xưa" mà không chịu trở về quê cũ. Như ta cho hình thức hiện đây là đáng vui mừng, thì sau khi chết, chỗ ta sẽ đặng hình thức mới, sao lại biết không có chỗ đáng vui mừng như bây giờ, hoặc hơn bây giờ?
Thiên Đại Tông Sư cũng có nói: "Gặp hình người mà vui riêng với đó. Mà hình người là gì? Hồi vị thủy trong vô cực, theo Vạn hóa mà có nó ra. Vậy, vui với đó, nhận riêng nó (mà không nhận cái khác) có phải lẽ không?" Giải thích đoạn văn trên đây, Quách Tử Huyền viết: "Trong muôn vàn hình thức của vạn vật, hình thức của người là một. Gặp được hình thức ấy, chưa đủ riêng vui với nó mà thôi sao? Trong vô cực, chỗ "gặp mới" của vạn vật đều như con người, há chỉ riêng có con người là biết vui với cái hình thức ấy mà thôi; còn bao nhiêu vật khác đều không biết vui với hình thức của chúng như con người sao?" Gốc ta đâu phải là người mà biến thành con người. Hóa làm người, đó là ta đã mất cái chỗ cũ kia, nhưng tuy mất cái cũ mà lại vui, là vui chỗ "gặp mới" khác nầy đây. Mà cuộc biến hóa thì vô cùng, thì chỗ "gặp mới" cũng sẽ vô tận.
Chúng ta đi trên con đường biến hóa vô cùng của Trời Đất, có khác nào một lữ khách: cảnh nào cũng mới, chỗ nào cũng đẹp. Nhưng đừng để cho cảnh nào trói buộc mình, vì trên đời không còn biết bao cảnh lạ bất ngờ vui đẹp khác đang chờ đợi ta.
Trang-tử cũng có nói: "Giá như cánh tay trái tôi hóa làm con gà, thì tôi nhân đó mà gáy canh. Giá như cánh tay phải tôi hóa làm hòn đạn, thì tôi nhân đó mà kiếm chim quay. Giá như cái xương cùng của tôi hóa thành bánh xe, lấy cái thần hồn tôi làm con ngựa thì tôi sẽ nhân đó mà cỡi lên, há còn phải đợi xe ngựa nào nữa. Vả đắc là thời, thất là thuận. An thời xử thuận thì buồn vui làm sao vào đặng cõi lòng".
Tóm lại, bậc chân nhân ngày xưa "không ham sống, không ghét chết", ra không vui, về không buồn, thản nhiên mà đến, thản nhiên mà đi... luôn luôn "an thời xử thuận"vì vậy mới giải quyết được dứt khoát vấn đề sinh tử.
*
C. TA VÀ VẬT BÌNH ĐẲNG
"Xưa Trang-Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Châu. Không biết Châu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Châu? Châu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa".
*
"Không biết Châu chiêm bao là Bướm, hay Bướm chiêm bao là Châu?" Một câu hỏi có thể bao trùm được cả vấn đề "vật ngã bình đẳng". Sự hỗn hợp giữa Ta (Trang-Châu) và Vật (con bướm) hồn nhiên đến không thể biết đâu là thực, đâu là mộng. Và như vậy, mộng cũng là thực, thực cũng là mộng, và Ta cũng là Vật, Vật cũng là Ta. Ta và Vật là Một.
Ngoài sự bình đẳng của thọ yểu, lớn nhỏ, nên hư, há chẳng phải đều do đây mà ra cả hay sao?
*
Người ta thường bảo thiên Tề-Vật-Luận là một thiên tinh thâm kỳ diệu. Nhưng chỗ tinh thâm nhất là ở đoạn đầu của thiên, tức là chỗ mà Tử Kỳ giảng cho Nhan thành Tử Du về cái ý nghĩa của "Thiên lại", "địa lại", "Nhân lại".
Nhân lại là "sáo người"... Tiếng sáo tuy có cao thấp, dài ngắn khác nhau, mà tựu trung chỉ do một hơi thổi vào mà gây nên: tùy lỗ hổng lớn nhỏ gần xa mà phát ra đủ loại âm thanh khác biệt. Hơi thổi đó (mà Tử Kỳ gọi là gió, đối với Địa lại) tức là Đạo, động cơ duy nhất gây thành muôn điệu âm thanh, cũng như vạn vật.
"Hơi thổi" của nhạc công, cũng như "gió thổi" mà im bặt, thì cả thảy "sáo người", "sáo đất" sẽ cùng im lặng, không còn có gì cả. Cho nên "hơi thổi" hay gió thổi là cái chính, tuy không thấy, nhưng mà có. Trái lại, âm thanh muôn điệu ồn ào, tuy có mà kỳ thật là không.
Chương Tề-Vật-Luận, chung quy là để giảng về một chữ Hòa. Sáo, là nhạc; Nhạc, là điều hòa tất cả những gì mà riêng ra, không thể hòa nhau mà lại còn chống đối nhau là khác, như những giọng cao giọng thấp, tiếng thô tiếng trong, tiếng dài tiếng ngắn... Sự vật tuy khác nhau, chống đối nhau như thị phi, thiện ác... thế mà lại hòa nhau, nên mới gọi là đồng